cart.general.title

BÍ QUYẾT PHÒNG THI DÀNH CHO SĨ TỬ 2K3 VÀ 2K6

Mỗi mùa thi cử, nhiều người hay nói là “Học tài thi phận”. Nó vừa đúng mà vừa chưa đúng. Đúng là bởi vì nhiều người lúc học là một chuyện, khi đi thi kết quả lại không được như mình mong đợi. Còn không đúng là bởi vì nhìn một cách khách quan thì học và thi là hai kỹ năng khác nhau hoàn toàn. Học là kỹ năng hiểu kiến thức của môn học, còn thi thì ngoài việc đó cần thêm cả những kỹ thuật trong phòng thi, và cả những kinh nghiệm về tâm lý khác. Cho nên, giống như việc tập luyện võ công và lúc ra chiến trường, muốn thành công thì phải nắm vững kỹ năng khi ra trận thực tế.

Để chuẩn bị tâm lý tốt nhất, từ đó đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi, hãy tham khảo những lời khuyên sau đây:

Ngủ đủ giấc, uống đủ nước

Ngủ đủ giấc giúp chúng ta có một sức khỏe tốt. Riêng với các sĩ tử, trước kỳ thi, bạn lại càng phải ngủ đủ giấc để có tinh thần tốt. Thiếu ngủ kéo theo một số triệu chứng tiêu cực như giảm khả năng vui vẻ, các vấn đề về trí nhớ, suy giảm kỹ năng tư duy phản biện, cũng như lo lắng và căng thẳng.

Ngoài ra, uống nước giúp tăng 10% điểm số. Người ta làm thí nghiệm trên 447 sinh viên tại đại học East London, với năng lực tương tự nhau, một nhóm uống nước thường xuyên trong mùa thi và nhóm còn lại không uống, thì nhóm uống nước thường xuyên và đều đặn có điểm số trung bình cao hơn 10%. Lý do không có gì khó hiểu, não bộ là trung khu thần kinh của cơ thể, xử lí các chức năng cực kì phức tạp, nhất là khi đi thi. Để hoạt động hiệu quả, nó cần cung cấp đầy đủ oxy. Thực tế là nó luôn trong tình trạng thiếu oxy. 

Những ngày thi nóng nực, thời tiết khó chịu, cơ thể mệt mỏi, việc uống nước thường xuyên (nước lọc) giúp máu lưu thông tốt hơn, từ đó nồng độ oxy trong máu cao hơn, dẫn đến việc cung cấp đủ oxy cho cơ thể, giúp tỉnh táo hơn và làm bài tốt hơn. Cho nên, trong phòng thi, hãy chuẩn bị sẵn chai nước và thi thoảng uống từng ngụm nhỏ.

Đổi mới thi cử - hướng nào? - Báo Nhân Dân

Lên kế hoạch về thời gian di chuyển để đến địa điểm thi đúng giờ

Đừng để đến ngày thi, bạn mới chợt nhận ra rằng bạn không nhớ đường đến địa điểm thi hoặc những vật dụng được phép mang vào phòng thi. Vì thế, hãy kiểm tra tất cả các quy định và lập kế hoạch lộ trình đến địa điểm thi, tính xem bạn sẽ di chuyển mất bao lâu để chắc chắn rằng bạn sẽ đến đúng giờ. Bạn hãy nhớ đặt báo thức, ăn sáng đầy đủ. Đừng bước vào phòng thi với chiếc bụng đói.

Nếu không có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ có thể rơi vào tình trạng "nhớ thứ này, quên thứ kia", từ đó dẫn tới việc bối rối hoặc đến địa điểm thi gấp gáp, cũng ảnh hưởng tới tâm lý làm bài của bạn.

Đặc biệt năm nay, trước tình hình dịch COVID-19, các bạn đừng quên đeo khẩu trang nhé! Đồng thời đến địa điểm, thí sinh sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay... trước khi vào phòng thi.

Đừng cố ghi nhớ quá nhiều trước khi vào phòng thi

Nhiều bạn thường cố ghi nhớ, nhồi nhét kiến thức trước khi vào phòng thi. Tuy nhiên, bạn đừng cố gắng làm điều đó trước 1-2 tiếng hay vài chục phút trước khi vào phòng thi, bởi nó sẽ phản tác dụng. Não bộ cần có thời gian để sắp xếp thông tin thì bạn mới có thể ghi nhớ được.

Khi căng thẳng, bạn sẽ khó ghi nhớ hoặc ghi nhớ không chính xác. Không nên gây thêm áp lực cho bộ não của bạn vào lúc này nữa nhé!

Bí quyết phòng thi

Thử một vài biện pháp giữ bình tĩnh

Một số người có được sự bình tĩnh dễ dàng hơn những người khác. Nếu bạn là một trong những người không dễ có được sự bình tĩnh thì bạn cần phải luyện tập tâm lý của mình trước khi bước vào kỳ thi lớn.

Bạn có thể áp dụng một số cách nhỏ để có được sự bình tĩnh như: hít thở sâu, thả lỏng cơ thể, lăn chân trên một quả bóng golf...

Không được kiểm tra đáp án trước khi kết thúc toàn bộ các môn thi

Khi làm xong bài thi, các sĩ tử thường có tâm lý kiểm tra đáp án, hoặc trao đổi với bạn bè, hoặc hay hỏi nhau có làm được bài không. Nhưng sau khi trao đổi, thì dĩ nhiên, về mặt xác suất, chỉ có sai chứ hiếm khi có đúng 100%. Mà khi thấy bị làm sai, làm nhầm thì năng lượng tiêu cực xuất hiện, đó là sự tiếc nuối, thậm chí hoang mang. Nói chuyện với bạn bè xong, có khi còn bị lây lan năng lượng tiêu cực, thế là đằng nào bài thi cũng nộp rồi, kết quả thì không thay đổi được, mà lại ảnh hưởng đến những môn tiếp theo. Cho nên, hiểu tâm lý một chút, thì khi thi xong, tuyệt đối không trao đổi kết quả, không bàn tán, cứ bình tĩnh về nghỉ ngơi luôn để chuẩn bị cho môn kế tiếp. Khi nào thi xong xuôi hết tất cả mọi thứ thì hãy kiểm tra đáp án.